- Trang chủ
- Tin tức
- Việt Nam gia nhập Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy An toàn vệ sinh lao động
Việt Nam gia nhập Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy An toàn vệ sinh lao động
Hôm nay, ngày 12/3/2014, tại Hà Nội, Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì họp báo công bố việc gia nhập Công ước số 187 về khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Việc gia nhập công ước này được Chủ tịch nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố tại Quyết định số 232/2014/QĐ-CTN ban hành ngày 23/01/2014.Nội dung cơ bản của Công ước số 187 hướng tới mục tiêu mỗi nước thành viên gia nhập Công ước cần thúc đẩy việc cải thiện không ngừng an toàn và vệ sinh lao động để ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tử vong do lao động, thông qua việc xây dựng, hỏi ý kiến các tổ chức đại diện nhất của người sử dụng lao động và người lao động về chính sách quốc gia, hệ thống quốc gia và chương trình quốc gia. Mỗi nước thành viên phải có bước đi chủ động để tiến đến môi trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua một hệ thống quốc gia và chương trình quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với những nguyên tắc trong các văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến thúc đẩy an toàn và vệ sinh lao động.
Để thực hiện Công ước số 187 sau khi gia nhập, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lên phương án xây dựng kế hoạch triển khai trong đó chú trọng tới việc tạo điều kiện để Công ước số 187 được thực hiện có hiệu quả, góp phần bảo đảm lợi tích tốt nhất cho người lao động và ngườif sử dụng lao động cũng như toàn xã hội. Kế hoạch gồm những nội dung chính sau:
- Tuyên truyền, phổ biến cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động về nội dung cơ bản của Công ước;
- Thống kê, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ đề nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp với các quy định của Công ước số 187; Tham mưu cho Chính phủ trình quốc hội ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động trong đó nội luật hóa các quy định của Công ước số 187;
- Kiện toàn bộ máy thực hiện công tác ATVSLĐ, cụ thể: các địa phương, doanh nghiệp bổ sung cán bộ, người làm công tác ATVSLĐ;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện Công ước tại các địa phương;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác an toàn vệ sinh lao động: triển khai ứng dụng tin học để truy cập, kết nối với cơ sở dữ liệu về công tác ATVSLĐ và tình hình thực hiện công ước số 187;
- Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ, tổ chức thực hiện lồng ghép Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015.
Ông Gyorgy Sziraczki Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội có mặt tại buổi họp báo đã đánh giá cao sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Công ước số 187 và nhận định rằng việc gia nhập này đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thay đổi chính sách cũng như thúc đẩy các hoạt động quốc gia có sự tham gia của ba bên (chính phủ - tổ chức đại diện người sử dụng lao động – tổ chức đại diện người lao động) hướng tới việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động se giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển.
Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – những tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động tại Việt Nam đã cùng cam kết khẳng định sẽ cùng với Chính phủ thúc đẩy triển khai thực hiện hiệu quả Công ước này thông qua các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện và đào tạo về ATVSLĐ cũng như tham mưu triển khai kế hoạch và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện ATVSLĐ tại các doanh nghiệp.
Theo quy định, sau hai năm thực hiện Công ước, Chính phủ Việt Nam thực hiện báo cáo đầu tiên về tình hình thực hiện Công ước với Tổ chức Lao động quốc tế. Hiện nay, theo kế hoạch, trách nhiệm này được giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện.